Phát triển mô hình khu công nghiệp kết hợp đô thị dịch vụ

Sep 23, 2021

Tính đến hết tháng 5/2021, cả nước đã có 394 KCN được thành lập (bao gồm 351 KCN nằm ngoài các KKT, 35 KCN nằm trong các KKT ven biển và 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121,9 nghìn ha.

Trong đó, có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,3 nghìn ha; và 108 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,9 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23,6 nghìn ha.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc hình thành các KCN, KKT đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu…

Việc phát triển mô hình KCN, KKT cũng góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc phát triển KCN, KKT thời gian vừa qua. Đó là quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể; tại một số nơi quy hoạch và phát triển KCN, KKT chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quy hoạch KCN thời gian qua chưa đảm bảo tiếp cận, cảnh quan, hệ sinh thái, hạ tầng xã hội đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hài hòa và bền vững…

Do đó, “Việt Nam cần phải xây dựng được các chính sách ưu đãi đặc biệt để đảm bảo thu hút đầu tư phát triển KCN một cách hiệu quả, phát triển kinh tế phải song hành với ổn định chính trị xã hội và bảo vệ môi trường. Đối với một số mô hình KCN đang là xu hướng phát triển và được Nhà nước khuyến khích như KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ… cần sự gắn kết và tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, những chuyên gia, công nhân, người sử dụng dịch vụ trong KCN phải được hưởng lợi từ những đô thị dịch vụ gắn liền với KCN…”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT nhận định.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến điều chỉnh Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quy định quản lý KCN và KKT. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định cần đưa ra tiêu chí cụ thể về điều kiện và loại hình trong KCN để xác định đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thời gian thực hiện từ khi lập quy hoạch hay giai đoạn nào ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và bán hàng của chủ đầu tư…

Liên quan đến các loại hình KCN mới, các chuyên gia đề xuất tiếp tục rà soát hoàn thiện bổ sung chính sách, văn bản pháp luật đảm bảo gắn đồng bộ quy hoạch phát triển KCN với phát triển khu đô thị trong một phương án tổng thể, thống nhất giữa các quy hoạch quốc gia gắn với phát triển kinh tế địa phương.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện bổ sung quy định pháp luật về đầu tư xây dựng KCN phù hợp với từng loại hình sản xuất và từng thời kỳ; xây dựng hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn về quy mô, cấu trúc sử dụng đất hạ tầng kỹ thuật trong KCN…

Nguồn: Báo Xây dựng

Tags