Chiến lược thu hút FDI của Bình Dương

Nov 13, 2021

Tính đến tháng 3, Bình Dương có hơn 50.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 473.000 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có gần 4.000 dự án thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 36 tỷ USD.

Dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Bình Dương vẫn kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược FDI thế hệ mới. Ngày càng nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia với nguồn tài chính lớn và công nghệ hiện đại quan tâm đầu tư vào tỉnh này.

Đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn FDI

Nhiều năm qua, Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đây là nguồn lực quan trọng để Bình Dương có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm cao gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

Trong chiến lược thu hút FDI, Bình Dương ưu tiên những ngành nghề, dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tỉnh cũng chủ trương hạn chế các dự án thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường... Nhờ đó, Bình Dương hiện đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.

Các doanh nghiệp FDI đã tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Bình Dương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần tạo ra một số ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất, chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử... Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá là nguồn động lực chính thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và xã hội của tỉnh.

Chuyển đổi số tại các khu công nghiệp

Để tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế, Bình Dương đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện, trong cả khu vực công và tư nhân, doanh nghiệp. Công cuộc chuyển đổi số hứa hẹn giúp Bình Dương tối ưu hóa hoạt động ở cả khu vực công và tư, các mô hình kinh doanh hiện hữu, tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động.

Các mô hình kinh doanh trên không gian số sẽ dần được hình thành trên địa bàn tỉnh. Với thành tựu phát triển các khu công nghiệp và thu hút đầu tư những năm qua, Bình Dương có lợi thế lớn để chuyển đổi số như xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong công nghiệp, phát triển sản xuất, nhà máy thông minh…

Với tiềm lực phát triển mạnh mẽ, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể ứng dụng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain… từ đó xây dựng mô hình khu công nghiệp mới trong kỷ nguyên số, tạo nền tảng để Bình Dương hướng đến nền kinh tế tri thức, kinh tế số, trở thành đô thị thông minh và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Tạo đột phá thu hút FDI

Trong năm 2020, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn mới là “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, với kỳ vọng tạo ra đòn bẩy nhằm xây dựng nền tảng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững.

Đề án được xem là giải pháp liên ngành, có liên quan và tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số, công nghiệp 4.0, phát triển nguồn nhân lực.

Đây cũng là nội dung trọng tâm trong quá trình xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn tiếp theo, tích hợp các khu vực chức năng như văn phòng quản lý trung tâm, đô thị khoa học, khu công nghiệp khoa học công nghệ, trung tâm thương mại thế giới.

Tương lai, thành phố mới Bình Dương là trung tâm kết nối các phân khu trong vùng đổi mới sáng tạo của tỉnh, đồng thời kết nối các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Đây được xem là bàn đạp giúp tỉnh xây dựng môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới... Từ đó, tỉnh nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.

Những năm qua, Bình Dương có ba lần liên tiếp được xướng tên trong danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Theo đánh giá của các chuyên gia, thành tích này mở ra cơ hội để Bình Dương hợp tác trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 thành phố thông minh khắp thế giới của ICF.

Bên cạnh đó, điều này góp phần gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới, tạo nền tảng cho phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.

Hiện Bình Dương quyết liệt triển khai nghiên cứu về logistics, các giải pháp giao thông vận tải mới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh tiếp tục hợp tác với các chuyên gia, đối tác quốc tế và Hiệp hội Đô thị Khoa học Công nghệ thế giới để phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ… Chiến lược này hứa hẹn tạo ra nhiều giá trị gia tăng mới cho toàn tỉnh.

Giai đoạn 2020-2030, Bình Dương ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, ít thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng cao và tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Với định hướng trên, chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh có những điều chỉnh cơ bản để vừa tiếp tục phát huy thế mạnh hiện có, vừa phù hợp xu hướng đầu tư trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là 1 trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.

Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, thời gian tới Bình Dương tiếp tục tập trung nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.

Nguồn: Zing News